Chế độ ăn cho người bị dị ứng thực phẩm

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị dị ứng thực phẩm

Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm chủ yếu do thực phẩm có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào sẽ là những kháng nguyên thực sự, kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng.

Thứ hai là một số protein có trong thực phẩm chỉ đóng vai trò là một “bán kháng nguyên” hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm quyết định kháng nguyên sẵn có gây nên dị ứng. Ngoài ra, do một số thực phẩm có chứa nhiều chất histamin, khi vào cơ thể cũng gây nên các triệu chứng dị ứng.

Các chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động vật và thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao nhưng chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người.

Dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến da, đường tiêu hóa, hệ hô hấp hoặc tim mạch, đặc biệt nguy hiểm là sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng. Phản ứng dị ứng thực phẩm không phải ai cũng giống nhau. Tuy nhiên có các triệu chứng phổ biến bao gồm: ngứa miệng, cảm giác nóng bỏng ở môi, miệng; sưng miệng, môi, mặt; phát ban trên da; buồn nôn hoặc nôn mửa; khó thở khò khè, tiêu chảy…

Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ. Các triệu chứng thường xảy ra nhanh, diễn tiến nặng lên rất nhanh, bao gồm: hạ huyết áp, ngứa cổ, ngứa da hoặc phát ban lan nhanh và bao phủ phần lớn cơ thể; sưng họng, môi, mặt, miệng; nhịp tim nhanh; nôn mửa; có vấn đề về hô hấp như thở khò khè hoặc khó thở nghiêm trọng; mất ý thức… Một số trường hợp nặng dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra ngay khi chúng ta ăn thực phẩm dù chỉ với một lượng nhỏ thức ăn. Vì vậy, việc chủ động thực hiện dự phòng khi ăn uống là rất quan trọng đối với người có tiền sử dị ứng.

Chế độ ăn cho người bị dị ứng thực phẩm- Ảnh 1.

Dị ứng thực phẩm gây nhiều phản ứng từ nhẹ tới nghiêm trọng. Ảnh minh họa.

2. Một số dưỡng chất nên bổ sung

Những lựa chọn thay thế dị ứng thực phẩm này ít có khả năng gây ra phản ứng dị ứng nhất đồng thời sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch:

Các loại rau lá xanh bao gồm rau bina, cải xoăn, rau cải rổ, romaine, rau arugula, cải xoong… đặc biệt giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, enzyme. Thêm rau xanh vào chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ giải độc. Nghiên cứu cho thấy rằng ăn năm phần trái cây, rau quả trở lên mỗi ngày làm tăng đáng kể phản ứng kháng thể, giúp giảm các triệu chứng dị ứng.

Bổ sung enzyme tiêu hóa để hỗ trợ hệ tiêu hóa phá vỡ hoàn toàn các mảnh thức ăn, đây được coi là một phương pháp điều trị dị ứng thực phẩm quan trọng. Việc tiêu hóa không hoàn toàn protein thực phẩm có khi liên quan đến dị ứng thực phẩm, dễ gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa.

Thực phẩm giàu probiotic hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, giúp sửa chữa niêm mạc ruột bị tổn thương. Thực phẩm lên men như kefir, dưa cải bắp, kim chi, natto, sữa chua, miso, kombucha sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, làm giảm sự nhạy cảm quá mức của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng thực phẩm dẫn đến các triệu chứng dị ứng.

Vi khuẩn tốt hỗ trợ hệ thống miễn dịch xử lý thức ăn thuận lợi hơn. Một nghiên cứu năm 2001 được công bố trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng cho thấy sự khác biệt về hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ sơ sinh có trước sự phát triển của bệnh dị ứng, vai trò của vi khuẩn đường ruột hội sinh trong việc ngăn ngừa dị ứng. Nghiên cứu này đã dẫn đến giả thuyết rằng men vi sinh có thể thúc đẩy khả năng dung nạp đường uống.

Chế độ ăn cho người bị dị ứng thực phẩm- Ảnh 2.

Thực phẩm lên men như kefir, dưa cải bắp, kim chi, natto, sữa chua, miso, kombucha… giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Nước hầm xương làm từ thịt bò, thịt gà bổ sung cho ruột các acid amin, khoáng chất cần thiết. Nước hầm xương là một trong những thực phẩm có lợi nhất nên tiêu thụ để phục hồi sức khỏe đường ruột, do đó hỗ trợ chức năng hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm lành mạnh.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy vitamin D, canxi và acid béo omega-3 bị thiếu ở trẻ bị dị ứng thực phẩm. Các nguyên tố vi lượng bao gồm kẽm, selen, magie xảy ra đối với người lớn.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 60% trẻ em từ 4 tuần đến 16 tuổi bị dị ứng thực phẩm không tiêu thụ đủ vitamin D. Họ cũng nhận thấy lượng selen, kẽm, đồng hấp thụ thấp từ các nguồn thực phẩm. Tuy nhiên, việc bổ sung thường xuyên bằng chất bổ sung vitamin tổng hợp/khoáng chất cho trẻ bị dị ứng nhiều loại thực phẩm là điều cần thận trọng, phải theo chỉ định của bác sĩ vì tình trạng thiếu canxi, vitamin D, kẽm, selen là phổ biến.

3. Những lưu ý quan trọng khi lựa chọn thực phẩm cho người bị dị ứng

  • Chúng ta cần có kiến thức về các loại thực phẩm dễ gây dị ứng;
  • Tránh sử dụng những thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng;
  • Cần đọc kỹ thành phần của các loại thực phẩm trước khi sử dụng;
  • Nhận biết các triệu chứng sớm của phản ứng dị ứng để có biện pháp xử trí kịp thời.

Trường hợp sau khi ăn có biểu hiện của dị ứng, cần ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng để theo dõi các triệu chứng. Nếu xác định được thành phần hoặc thực phẩm cụ thể gây dị ứng bạn cần luôn ghi nhớ tránh ăn thực phẩm đó sau này.

Có nhiều loại thực phẩm có thể gây dị ứng nhưng có một số loại phổ biến nhất được xác định bao gồm: Sữa, đậu nành, trứng, lúa mì, đậu phộng, hạt cây, cá, động vật có vỏ…

Đối với người đã từng bị dị ứng với các loài động vật có vỏ như tôm, cua, sò, mực…, ngoài việc tránh những loại thực phẩm này cần cẩn thận với việc lây nhiễm chéo thực phẩm.

Nếu bị dị ứng hạt cây, bạn cần tránh ăn các loại hạt. Nên xem xét cẩn thận thành phần các loại hạt trong thực phẩm chế biến sẵn, bơ, dầu.

Nếu bị dị ứng với sữa bò, lúa mì hay trứng cũng cần phải tránh; lưu ý đọc thành phần các thực phẩm chế biến sẵn khác thường chứa trứng, lúa mì, các chế phẩm từ sữa….

Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng, tiền sử bệnh hen suyễn, viêm da cơ địa… cần phải lưu ý đến vấn đề dị ứng thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy, dị ứng thực phẩm với bệnh hen suyễn có mối liên hệ chặt chẽ. Trên thực tế, những người bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn cao hơn những người không mắc bệnh.

Bị hen suyễn cũng làm tăng nguy cơ bị dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả một phản ứng toàn thân có nguy cơ đe dọa tính mạng như sốc phản vệ. Khi các triệu chứng hen suyễn xảy ra với dị ứng thực phẩm cấp tính có nguy cơ làm cho phản ứng trở nên trầm trọng hơn, trong một số trường hợp dẫn đến sốc phản vệ.

Tình trạng dị ứng thực phẩm cũng xảy ra phổ biến hơn ở những người mắc bệnh viêm da cơ địa. Viêm da dị ứng cũng được cho là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự phát triển dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ.

Ngoài các đợt bùng phát bệnh viêm da cơ địa, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và khó thở. Trong chế độ ăn uống hằng ngày của người bị viêm da cơ địa, các chuyên gia cũng lưu ý nên tránh hoặc thận trọng với những thực phẩm dễ gây dị ứng.

4. Một số thực phẩm nên tránh đối với người bị ứng thực phẩm

Sữa bò

Đây là một trong những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em. Các trường hợp bị dị ứng với sữa bò thường được thấy ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Dị ứng sữa bò không giống với không dung nạp lactose. Những người không dung nạp lactose không bị dị ứng với sữa. Cách phòng, điều trị tốt nhất là tránh uống sữa bò cũng như các sản phẩm có chứa sữa bò như: sữa bột, sữa chua, kem, phô mai…

Trứng

Trứng cũng là thực phẩm dễ gây dị ứng, nhất là lòng trắng trứng, vì hầu hết các protein gây dị ứng được tìm thấy trong lòng trắng trứng. Cách tốt nhất là không sử dụng trứng trong chế độ ăn nếu bạn đã có biểu hiện dị ứng trứng.

Động vật có vỏ

Động vật có vỏ bao gồm 2 loài động vật giáp xác (tôm, cua…) và động vật thân mềm (ngao, trai, sò, sò điệp, mực, bạch tuộc…). Dị ứng động vật có vỏ xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại các protein có trong những động vật này.

Có một số người bị dị ứng với một loại động vật có vỏ nhưng một số người khác bị dị ứng với cả hai. Tình trạng này không có xu hướng tự khỏi theo thời gian, vì vậy họ cần phải loại trừ các thực phẩm này trong chế độ ăn uống để phòng ngừa dị ứng.

Chế độ ăn cho người bị dị ứng thực phẩm- Ảnh 5.

Một số loài động vật có vỏ như tôm, cua, sò… dễ gây dị ứng.

Hạt cây

Dị ứng hạt cây cũng là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến. Vì vậy, nếu đã bị dị ứng với một loại hạt rất có thể bạn cũng sẽ có phản ứng tương tự với các loại hạt khác.

Đậu nành

Dị ứng đậu nành thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 3 tuổi, nguyên nhân do một loại protein trong đậu nành hoặc các sản phẩm có chứa đậu nành. Do vậy nếu đã từng ăn đậu nành mà có các dấu hiệu dị ứng như ngứa, chảy nước mũi hoặc khó thở bạn nên tránh ăn đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành.

Lúa mì

Lúa mì là một loại hạt ngũ cốc, là thành phần chính trong nhiều loại thực phẩm như bánh mì, mì ống, bánh nướng, một số thực phẩm chế biến sẵn. Dị ứng lúa mì xảy ra do người ăn bị dị ứng với protein có trong lúa mì.

Gluten là một loại protein cụ thể được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen giúp bột nhào có cấu trúc và độ đàn hồi. Đối với những người bị dị ứng lúa mì, tiêu thụ các sản phẩm có chứa lúa mì làm trầm trọng thêm bệnh chàm hoặc gây ra các triệu chứng khác như phát ban, hen suyễn, các vấn đề tiêu hóa.

Bài viết liên quan

Tư vấn online