1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị phình động mạch chủ
TS.BS. Ngô Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Bệnh viện TƯ Quân đội 108 cho biết, số bệnh nhân mắc phình động mạch chủ nhập viện ngày càng tăng. Đây là bệnh lý giãn động mạch chủ vĩnh viễn và không phục hồi, khi đường kính ngang đo được lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với đường kính phần còn lại của động mạch chủ.
Phình động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, người bệnh có thể đột tử nếu vỡ túi phình. Khi túi phình động mạch chủ vỡ vào khoang tự do (khoang phúc mạc hoặc khoang màng phổi), tỷ lệ tử vong rất cao.
Phình động mạch chủ có thể đe dọa tính mạng nếu bị vỡ, vì vậy điều quan trọng là phải giảm nguy cơ này và tìm phương pháp điều trị phù hợp khi đã được chẩn đoán.
Không có thuốc để ngăn chặn phình động mạch chủ, do đó phòng bệnh chủ yếu bằng cách kiểm soát nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Để thực hiện kiểm soát tốt cần thay đổi lối sống, thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học và những thói quen lành mạnh.
Chế độ dinh dưỡng cần chú ý chọn thực phẩm bổ dưỡng giúp giữ cho mạch máu khỏe mạnh, tránh những thực phẩm không lành mạnh tác động tiêu cực, làm tăng huyết áp, gây thêm căng thẳng cho các mạch máu không khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị phình động mạch chủ. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp:
Giảm các yếu tố nguy cơ
- Tăng huyết áp: Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm ít béo có thể giúp hạ huyết áp.
- Cholesterol cao: Hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol trong chế độ ăn uống giúp giảm mức cholesterol trong máu.
- Béo phì: Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm gánh nặng lên động mạch chủ.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
- Cải thiện chức năng tim: Ăn nhiều chất béo omega-3, chất xơ và vitamin giúp cải thiện chức năng tim.
- Giảm nguy cơ viêm: Chế độ ăn uống chống viêm có thể giúp giảm nguy cơ tổn thương động mạch chủ.
2. Các dưỡng chất quan trọng với cơ thể người bị phình động mạch chủ
Dưới đây là một số vitamin và khoáng chất tốt cho người bị phình động mạch chủ:
Vitamin
- Vitamin C: Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do gốc tự do. Gốc tự do có thể góp phần làm hỏng động mạch và dẫn đến phình động mạch chủ. Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt, ớt chuông, bông cải xanh và dâu tây.
- Vitamin E: Vitamin E là một chất chống oxy hóa khác giúp bảo vệ tim mạch, giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
- Vitamin B6: Vitamin B6 giữ cho mạch máu, trái tim khỏe mạnh và cải thiện tuần hoàn máu, giảm mức cholesterol máu, giúp duy trì mức huyết áp lành mạnh. Vitamin B6 có nhiều trong chuối, khoai lang, thịt gà và cá.
- Vitamin B12: Vitamin B12 giúp cơ thể sản xuất ra tế bào máu khỏe mạnh, giảm nguy cơ đột quỵ. Vitamin B12 có nhiều trong thịt, cá, trứng và sữa.
Khoáng chất
- Kali: Kali giúp kiểm soát huyết áp, giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Kali có nhiều trong chuối, khoai lang, rau bina và đậu trắng.
- Magie: Magie giúp thư giãn mạch máu và giảm huyết áp, giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Magie có nhiều trong các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và rau lá xanh.
- Canxi: Canxi không chỉ giúp xây dựng và duy trì xương chắc khỏe, canxi cũng có thể giúp giảm nguy cơ huyết áp cao. Canxi có nhiều trong sữa, sữa chua, rau xanh lá, cá, tép nhỏ…
- Bổ sung omega-3: Omega-3 là một loại acid béo có lợi cho sức khỏe tim mạch. Nên bổ sung omega-3 bằng cách ăn cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ…
Trong trường hợp nếu bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, người bị phình động mạch chủ cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân. Không nên tự ý bổ sung vitamin và khoáng chất mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ vì có thể dẫn đến quá liều hoặc tương tác thuốc.
3. Tham khảo chế độ ăn tốt cho người phình động mạch chủ
Người bị phình động mạch chủ nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường những thực phẩm tốt cho tim như rau, trái cây, các loại hạt, đậu, thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế những thực phẩm không tốt cho tim như natri, rượu và đường.
3.1 Thực phẩm nên ăn
Khuyến nghị về lối sống và chế độ ăn uống của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ về một mô hình chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể nhấn mạnh:
Ăn nhiều loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm được làm chủ yếu từ ngũ cốc nguyên hạt. Nên ăn 5 phần trái cây và rau mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy các loại trái cây như táo, lê, chuối và cam cũng có thể ngăn ngừa chứng phình động mạch.
Năm 2013, nghiên cứu Thụy Điển do Tiến sĩ Otto Stackelberg của Viện Karolinska ở Stockholm đứng đầu đã cho biết, những người ăn nhiều hơn hai phần trái cây mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng phình động mạch chủ bụng thấp hơn 25% và nguy cơ bị vỡ thấp hơn 43% so với những người ăn ít trái cây nhất.
Bổ sung nguồn protein nạc: Ưu tiên các loại protein nạc như cá, thịt gà, thịt nạc heo, các loại đậu, các loại hạt; cá và hải sản; sữa ít béo hoặc không béo.
Uống đủ nước: Nên uống đủ 8 ly nước mỗi ngày. Nước giúp thanh lọc cơ thể và hỗ trợ chức năng tim mạch.
Lưu ý, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể về chế độ ăn uống phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mình.
- Đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng: Ăn nhiều loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm khác nhau.
- Kiểm soát lượng calo: Ăn vừa đủ calo để duy trì cân nặng hợp lý.
- Chế biến thực phẩm lành mạnh: Hạn chế chiên rán, nướng, sử dụng nhiều gia vị.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Giúp tiêu hóa tốt hơn và hấp thu đầy đủ dưỡng chất.
3.2 Thực phẩm nên tránh
Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) đã đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn uống cho người bị phình động mạch chủ nhằm giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ biến chứng.
Giảm lượng natri và cholesterol trong chế độ ăn uống
Chế độ ăn nhiều calo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và natri có thể dẫn đến tăng huyết áp, cholesterol cao, xơ vữa động mạch (chất béo tích tụ làm tắc nghẽn động mạch) và béo phì, tất cả đều là yếu tố nguy cơ gây chứng phình động mạch chủ.
Hạn chế chất béo bão hòa
Nên giảm lượng chất béo bão hòa xuống dưới 10% tổng lượng calo mỗi ngày. Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, sữa nguyên kem và phô mai béo. Thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa đơn và đa có lợi cho sức khỏe tim mạch, có nhiều trong dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt và cá béo.
Hạn chế muối
Nên giảm lượng muối xuống dưới 6 gam mỗi ngày. Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đồ ăn đóng hộp vì thường chứa nhiều muối.
Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để tăng hương vị cho món ăn thay vì muối.
Hạn chế rượu bia
Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và làm tăng các biến chứng cho tim. Nên hạn chế lượng rượu bia hoặc tốt nhất là bỏ hoàn toàn.
4. Thực hiện lối sống lành mạnh
Các bác sĩ luôn khuyên người bị phình động mạch chủ thực hiện các thói quen như sau:
Quản lý huyết áp và cholesterol: Một lối sống lành mạnh cho tim và thuốc men có thể giúp bạn làm được điều này.
Giữ cân nặng khỏe mạnh, cố gắng giảm cân nếu bạn cần. Béo phì làm tăng nguy cơ biến chứng của phình động mạch chủ. Nếu thừa cân hoặc béo phì, hãy giảm cân một cách từ từ và an toàn. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về cách giảm cân phù hợp.
Không hút thuốc: Bất kỳ loại sử dụng thuốc lá nào cũng làm tăng khả năng bị chứng phình động mạch, đây là yếu tố nguy cơ mạnh nhất đối với chứng phình động mạch chủ. Hút thuốc làm suy yếu thành mạch máu, bao gồm cả động mạch chủ. Điều này làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ và vỡ phình động mạch. Sử dụng thuốc lá càng lâu và nhiều thì nguy cơ phát triển chứng phình động mạch chủ càng cao.
Tránh các hoạt động gắng sức: Những việc làm gắng sức như nâng vật nặng có thể gây căng thẳng cho chứng phình động mạch hiện có.
Tập thể dục ở cường độ vừa phải: Lựa chọn hình thức và động tác thể dục an toàn cho bạn, ví dụ nếu tập aerobic, hãy thử thực hiện các hoạt động làm tăng nhịp tim. Tập thể dục vừa sức ít nhất 2 tiếng rưỡi mỗi tuần.
Giảm căng thẳng: Cố gắng tránh những tình huống căng thẳng và cảm xúc cao độ có thể khiến huyết áp tăng cao và làm tăng khả năng vỡ phình động mạch.
Người bị phình động mạch chủ cần theo dõi y tế chặt chẽ, tuân thủ khám sức khỏe định kỳ và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nếu đột ngột bị đau dữ dội ở ngực, bụng, lưng, cổ hoặc dạ dày – hoặc nếu có điều bất thường – hãy gọi bác sĩ ngay lập tức và cho họ biết về tiền sử bị chứng phình động mạch. Quản lý các vấn đề sức khỏe khác của bản thân nếu có như bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tim.
Xem thêm: