1. Vai trò của tập luyện với người bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván (Tetanus) là một bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí gây nên. Ngoại độc tố uốn ván tác động vào thần kinh cơ gây nên biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh là cứng hàm, co cứng cơ liên tục, các cơn co giật toàn thân…
Đây là một bệnh nhiễm trùng nặng, có nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao, diễn biến phức tạp và tiên lượng dè dặt.
Trước đây, uốn ván thường gặp ở người trẻ và trẻ em đặc biệt là uốn ván sơ sinh. Nhờ hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng đã loại trừ được uốn ván sơ sinh đồng thời giảm tỷ lệ uốn ván ở trẻ em. Tuy nhiên vấn đề uốn ván ở người lớn lại chưa được quan tâm đúng mức.
Bệnh uốn ván là một trong những bệnh nặng và việc tiên lượng bệnh cũng tương đối khó khăn vì vậy công tác chăm sóc bệnh uốn ván rất phức tạp và phụ thuộc vào từng mức độ bệnh, từng giai đoạn bệnh của bệnh nhân.
Ngoài việc chăm sóc bệnh nhân uốn ván trong giai đoạn đầu, đến thời điểm người bệnh có xu hướng phục hồi, người bệnh uốn ván cũng nên tự rèn luyện, tự vận động để giúp cho người bệnh tự phục vụ được một số các công việc cá nhân, sinh hoạt của mình.
Co thắt các cơ là một trong những biến chứng hay gặp của bệnh uốn ván, gây ra các cơn co thắt mạnh, khó kiểm soát, gây ra cảm giác đau nhức, cứng cơ, khó di chuyển. Thậm chí co thắt cơ hầu họng và thanh quản có thể gây các cơn ngạt thở, ngừng thở và tử vong… Chính vì thế thực hiện các bài tập rèn luyện sẽ giúp cho người bệnh tránh được tình trạng cứng cơ, cứng khớp.
Một số trường hợp người bệnh uốn ván xuất hiện tình trạng co thắt cơ cột sống, co thắt cơ ngực, gây ra sự cương cứng, đau nhức cho vùng lưng, cổ, ảnh hưởng đến việc hít thở, gây khó khăn trong việc hoạt động của phổi. Các bài tập rèn luyện sẽ giúp làm giãn vùng cơ cột sống và cơ lồng ngực, từ đó cải thiện chức năng hô hấp, khả năng sinh hoạt.
Di chứng của bệnh uốn ván có thể ảnh hướng đến hệ thần kinh. Độc tố uốn ván làm tổn thương hệ thần kinh, gây triệu chứng như co giật, đau nhức, mất ngủ, rối loạn tri giác… Chính vì thế, vai trò của các bài tập rèn luyện là vô cùng quan trọng, giúp người bệnh uốn ván cải thiện những di chứng, hồi phục cơ thể một cách tối đa nhất.
2. Bài tập tốt cho người uốn ván
2.1 Bài tập tư thế cây cầu chữa đau lưng
– Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa trên mặt phẳng, hai tay đặt xuôi bên hông, hai chân duỗi thẳng.
+ Co hai đầu gối lên (chèn một cái gối mềm vào giữa hai đầu gối), ép chặt để giữ cho gối không bị rơi.
+ Dùng lực của hai bàn chân đẩy phần hông lên cao để tạo thành tư thế cây cầu.
+ Giữ tư thế này trong 10 giây rồi thả lỏng cơ thể trở về trạng thái ban đầu.
+ Nghỉ vài giây rồi lặp lại động tác trên 15 – 20 lần liên tục.
– Tác dụng: Đây là bài tập dễ thực hiện nhưng có tác dụng tích cực giúp làm giãn các cơ ở cột sống và hai bên hông, giảm được áp lực đè ép lên dây thần kinh, từ đó làm giảm cơn đau, hỗ trợ điều trị bệnh lý cột sống hiệu quả cho người bệnh uốn ván.
2.2 Tư thế nâng chân và cánh tay
– Cách thực hiện:
+ Nằm úp trên sàn, hai chân duỗi thẳng và dang rộng ra hai bên, hai tay chắp vào nhau duỗi về phía trước.
+ Uốn cong cơ thể từ từ, nâng hai chân cùng với phần ngực, đầu và hai tay lên cao, mắt hướng về phía trước, phần bụng áp sát xuống sàn.
+ Giữ tư thế này trong 3 giây rồi lặp lại thêm 5 lần theo cách tương tự.
– Tác dụng: Bài tập này tác động trực tiếp lên vùng cột sống, giúp làm giãn cơ cạnh sống 2 bên, cải thiện độ linh hoạt của cột sống, giảm đau, chống co cứng cột sống hiệu quả cho người bệnh uốn ván.
2.3 Bài tập tư thế tấm ván
– Cách thực hiện:
+ Nằm úp trên sàn ở tư thế chống đẩy, lấy bàn tay và các chân làm trụ, mắt hướng về phía trước
+ Duy trì trong 10 giây kết hợp hít thở nhịp nhàng, sau đó thả lỏng.
+ Thực hành mỗi ngày 5-10 phút
– Tác dụng: Bài tập này làm giãn cơ ở vùng lưng và vai gáy, hỗ trợ cải thiện chức năng cột sống, giảm đau nhức do co thắt cơ hiệu quả; đồng thời giúp cột sống trở nên vững chắc hơn cho người bệnh uốn ván.
2.4 Bài tập giãn gân cơ đùi sau
– Cách thực hiện:
+ Người bệnh nằm ngửa trên sàn, thư giãn cơ thể.
+ Dùng dây hoặc một tấm vải có chiều dài thích hợp vòng quanh chân trái, hai tay nắm chặt hai đầu dây.
+ Từ từ nâng cao chân trái, dùng dây để giữ chân và đầu gối thẳng.
+ Giữ nguyên tư thế trong 30 giây, lúc này có thể cảm nhận lực kéo ở đầu gối và cảm giác căng dọc phía sau đùi.
+ Thả lỏng và từ từ hạ chân xuống.
+ Thực hiện tương tự với chân còn lại.
+ Lặp lại động tác hai lần ở mỗi bên chân.
– Tác dụng: Đây là bài tập giãn gân cơ đùi sau, giúp cải thiện biên độ vận động các khớp, giúp giảm đau, giúp các khớp xương, dây chằng được kéo giãn nhẹ nhàng, hạn chế tình trạng gân cơ co cứng. Ngoài ra bài tập này còn giúp khắc phục cứng khớp, duy trì hoạt động linh hoạt cho người bệnh uốn ván.
2.5 Bài tập uốn cong đầu gối chủ động
– Cách thực hiện:
+ Nằm sấp trên thảm tập, duỗi thẳng chân.
+ Gập đầu gối, bàn chân về phía mông.
+ Cố gắng giữ động tác này trong vài nhịp thở.
+ Nhẹ nhàng co và duỗi đầu gối từ 8-12 nhịp.
+ Lặp lại động tác với chân còn lại.
– Tác dụng: Bài tập này có tác dụng thư giãn khớp xương, ổn định ổ khớp, đồng thời cải thiện sự linh hoạt cho các cơ, dây chằng… giúp người bệnh uốn ván đi lại, vận động dễ dàng hơn.
2.6 Bài tập căng da gót chân và bắp chân
– Cách thực hiện:
+ Đứng quay mặt vào tường, đặt hai tay lên tường, khuỷu tay thẳng.
+ Di chuyển một chân về phía sau hết mức có thể, giữ thẳng đầu gối trong quá trình tập.
+ Chân còn lại hơi uốn cong và hướng về phía trước, gót chân bằng phẳng.
+ Dựa vào chỗ căng và giữ nguyên tư thế trong 30 giây (lúc này cảm nhận thấy căng ở chân sau).
+ Đổi chân và thực hiện tương tự.
+ Lặp lại động tác 2 lần cho mỗi chân.
– Tác dụng: Bài tập này giúp tăng cường các cơ ở cẳng chân, nhất là cơ bắp chân. Từ đó giúp tăng cường sức mạnh đôi chân, giảm cứng khớp hiệu quả.
2.7 Bài tập thở chúm môi
– Cách thực hiện:
+ Hít vào chậm qua mũi hoặc miệng (không cần hít vào hết mức, chỉ cần hít vào bình thường khoảng 2 giây là đủ).
+ Mím môi hoặc chúm môi lại như đang huýt sáo, thổi lửa.
+ Thở ra bằng miệng chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào (khoảng 4 giây). Mỗi mím lại để tạo sức cản hơi thở ra.
+ Thực hiện động tác khoảng 10 lần.
– Tác dụng: Thở chúm mỗi là một trong những cách dễ nhất để kiểm soát nhịp thở và kéo dài thì thở ra. Sức cản dòng khí thở ra xảy ra trong khi thở chúm môi gây ra sự thay đổi trong hoạt động của các cơ hô hấp. Thở chúm môi giúp huy động các cơ hô hấp phụ trong thì hít vào và thở ra. Các cơ liên sườn và cơ bụng được co giãn, tăng cường hoạt động. Do đó dẫn đến cải thiện thông khí, cải thiện chức năng hô hấp hiệu quả cho người bệnh uốn ván.
3. Lưu ý khi luyện tập
Để đảm bảo an toàn khi thực hiện các bài tập thể dục, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
– Khởi động cơ bản trước khi tập luyện để làm nóng cơ thể, tránh tình trạng kéo giãn cơ đột ngột.
– Tránh các bài tập có cường độ cao có thể gây tổn thương cho cột sống và cơ lưng.
– Thực hiện các động tác chậm rãi để cơ thể kịp thích ứng.
– Tập luyện mỗi ngày trong khoảng 20 – 30 phút là lý tưởng.
– Nên kết hợp nhiều bài tập để tăng hiệu quả điều trị.
– Nếu cảm thấy đau nhức hoặc mệt mỏi, ngưng lại và nghỉ ngơi.
– Chọn thời điểm tập luyện phù hợp với cơ thể, không tập khi đói hoặc no bụng.
– Tập luyện phù hợp với sức khỏe và thể trạng cá nhân, mức độ bệnh và giai đoạn bệnh.
– Mặc trang phục thoải mái để dễ dàng thực hiện các động tác.
– Chọn không gian yên tĩnh, sạch sẽ và tập trung khi luyện tập.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Co giật, ngưng tim, ngưng thở chỉ vì vết xước ngoài da.