1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa phổ biến, gây ra bởi nhiều nguyên nhân như nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, ngộ độc thực phẩm hoặc do tác dụng phụ của thuốc…
Khi bị tiêu chảy, cơ thể sẽ mất đi nhiều nước và chất điện giải, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược. Do đó, việc áp dụng chế độ ăn uống hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, rút ngắn thời gian điều trị, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Dưới đây là một số lý do cho thấy tầm quan trọng của chế độ ăn khi bị tiêu chảy:
- Bù nước và điện giải: Tiêu chảy khiến cơ thể mất đi lượng nước và điện giải đáng kể, dẫn đến tình trạng mất nước và rối loạn điện giải. Chế độ ăn phù hợp cung cấp đầy đủ nước và điện giải để bù đắp cho lượng đã mất, giúp cơ thể phục hồi cân bằng.
- Cung cấp dinh dưỡng: Khi bị tiêu chảy, cơ thể vẫn cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để duy trì hoạt động, hỗ trợ quá trình phục hồi. Lúc này hệ tiêu hóa yếu nên cần lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa và hấp thụ.
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Một số loại thực phẩm giúp ích cho hệ tiêu hóa trong giai đoạn bị tiêu chảy như thực phẩm chứa lợi khuẩn, thực phẩm giàu chất xơ hòa tan giúp giảm bớt tình trạng tiêu chảy.
- Chế độ ăn cho người bị tiêu chảy có thể giúp giảm bớt những cơn tiêu chảy đột ngột, nghiêm trọng ở những người mắc bệnh mạn tính (dai dẳng) như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh viêm ruột (IBD) và bệnh celiac.
2. Các dưỡng chất thiết yếu khi bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, cơ thể sẽ mất đi nhiều nước, chất điện giải và dưỡng chất. Do đó, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất quan trọng để giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Dưới đây là một số chất dinh dưỡng thiết yếu cho người bị tiêu chảy:
Nước và chất điện giải: Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước đáng kể khiến cơ thể bị mất nước. Nước và chất điện giải là những chất thiết yếu giúp bù đắp lượng nước, điện giải đã mất do tiêu chảy nhiều lần. Nước lọc, nước oresol, nước dừa, nước trái cây loãng… là những lựa chọn tốt để bổ sung nước và chất điện giải.
Chất xơ hòa tan: Người bị tiêu chảy nên ăn ít chất xơ nhưng nên bổ sung các chất xơ hòa tan vì chúng có khả năng hấp thụ chất lỏng, giúp giảm tiêu chảy. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm: táo, chuối (chín), khoai tây luộc, gạo trắng, bột sắn, lúa mạch, bột yến mạch, các sản phẩm làm từ bột mì trắng…
Kali: Kali là một khoáng chất quan trọng giúp điều hòa huyết áp, chức năng tim và cơ bắp. Kali có nhiều trong chuối, khoai lang, rau bina, đậu lăng…
Natri: Natri cũng là một khoáng chất quan trọng giúp điều hòa huyết áp, cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Natri có nhiều trong muối ăn, súp, thịt nguội, cá hộp,…
Kẽm: Kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình lành vết thương. Kẽm có nhiều trong thịt bò, thịt gà, hàu, các loại đậu,…
Vitamin A: Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ niêm mạc đường ruột. Vitamin A có nhiều trong cà rốt, khoai lang, gan, trứng…
Vitamin C: Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình lành vết thương. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ớt chuông…
Probiotic: Hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa. Thực phẩm có men vi sinh góp phần giúp đường ruột phục hồi sau khi bị nhiễm trùng tiêu chảy. Các vi khuẩn sống trong men vi sinh giúp khôi phục các vi khuẩn đường ruột có lợi cần thiết để duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Sữa chua hoặc kefir, một loại thức uống từ sữa lên men là những lựa chọn tốt mặc dù đây là những sản phẩm từ sữa, thường không phù hợp với bệnh tiêu chảy. (Lưu ý đảm bảo sữa chua hoặc kefir có ít đường.)
Ngoài ra, người bị tiêu chảy cũng cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng khác như protein, carbohydrate và chất béo.
Tuy nhiên, cần lưu ý, chế độ ăn uống cho người bị tiêu chảy cần được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng bệnh, độ tuổi và sức khỏe của mỗi người. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất.
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị tiêu chảy
3.1 Thực phẩm nên ăn
Để bổ sung dinh dưỡng, người bị tiêu chảy cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu giúp người bệnh dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.
Chuối: Chuối chưa chín có hàm lượng tinh bột kháng cao, giúp hút độ ẩm ra khỏi phân có tách dụng làm cứng phân, giảm các triệu chứng tiêu chảy. Ngoài ra, chuối còn giàu kali, chất điện giải quan trọng mà người bị tiêu chảy đang bị mất.
Cà rốt: Tiêu chảy nhẹ có thể sử dụng cà rốt, bởi vì trong thành phần của cà rốt có tính chất hút chất nhầy, làm giảm nhu động ruột, làm cho nhu động ruột trở lại bình thường.
Khoai tây: Khoai tây không có vỏ rất dễ tiêu hóa và chứa kali, chất điện giải bị mất khi tiêu chảy.
Bí đỏ: Thịt bí đỏ rất giàu chất xơ hòa tan, cải thiện táo bón, tiêu chảy, giúp các chức năng tiêu hóa tốt hơn. Chất xơ hòa tan giữ nước trong đường tiêu hóa, tạo thành một loại gel thúc đẩy nhu động ruột hoạt động tốt và đầy đủ hơn.
Bột yến mạch: Yến mạch là một nguồn nhiên liệu tốt cho vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột, giàu chất xơ hòa tan có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các triệu chứng tiêu hóa, có khả năng giảm nguy cơ viêm…
Gạo trắng: Gạo trắng ít chất xơ, dễ tiêu hóa hơn các loại ngũ cốc giàu chất xơ như gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác. Có thể nấu cháo muối, cháo đường, cháo thịt gà, thịt lợn cà rốt, khoai tây, bí đỏ.
Nước sốt táo: Không giống như táo nguyên quả, nước sốt táo được chia thành dạng dễ tiêu hóa, là lựa chọn tốt cho những người bị tiêu chảy.
Bánh quy giòn: Bánh quy giòn làm từ bột mì trắng hoặc bột mì ít chất xơ không chứa gluten rất dễ tiêu hóa, giúp làm dịu dạ dày.
Nước dùng và súp: Súp, nước dùng ít chất béo, ít chất xơ có tác dụng dưỡng ẩm và chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể bị mất qua phân lỏng như natri. Có thể nấu súp gà (ức gà), súp thịt lợn nạc, cà rốt, khoai tây, bí đỏ.
Sữa chua: Sữa chua chứa lợi khuẩn giúp hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa.
Nước dừa: Nước dừa là thức uống giàu điện giải, giúp bù đắp lượng nước và chất điện giải đã mất do tiêu chảy.
3. 2 Thực phẩm nên tránh
Nên ăn đúng loại thực phẩm khi bị tiêu chảy và tránh xa những thực phẩm khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, ví dụ những thực phẩm sau:
Thực phẩm cay nóng: Thực phẩm cay nóng có thể kích thích dạ dày, làm tăng tình trạng tiêu chảy.
Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ: Thực phẩm nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa, có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.
Thực phẩm sống hoặc tái: Thực phẩm sống hoặc tái có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy ở một số người.
Chất kích thích: Chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga,… kích thích dạ dày làm tăng tình trạng tiêu chảy.
Thực phẩm nhiều chất xơ: Thực phẩm nhiều chất xơ có thể làm tăng nhu động ruột, làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.
Đồ ngọt: Đồ ngọt có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Ngoài ra, người bị tiêu chảy cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm khó tiêu hóa, gây đầy hơi, kích thích dạ dày, làm tăng tình trạng tiêu chảy như thịt bò, đậu phộng, hành tây, tỏi, bắp cải, súp lơ…
Bằng cách áp dụng chế độ ăn uống hợp lý và tuân thủ các lưu ý, người bị tiêu chảy có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Tiêu chảy thường diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài mặc dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống, dùng thuốc chống tiêu chảy và có các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều… cần đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.
Người bị tiêu chảy cần lưu ý một số điều sau:
- Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước oresol, nước trái cây loãng,…
- Chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn nhiều bữa trong ngày.
- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
- Hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều chất xơ.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh.
Xem thêm: